Nghề làm hương ở Chóa Bến (Hương Chóa) 

Trong sách Địa chí Hà Bắc do Thư viện tỉnh Hà Bắc xuất bản năm 1982 có nhắc đến đôi chữ về Hương đen làng Chóa, Dũng Liệt (Yên Phong).

Nghề hương đen làng Chóa có từ khi nào? Đây vẫn là một câu hỏi lớn và không có hồi kết. Không có nguồn tư liệu Hán Nôm nào còn chép lại nghề này ở đất Chóa Bến. Dựa vào tích kết trạ giữa làng Chóa và dân anh làng Lỗ Khê (Đông Anh), nội dung tích kết trạ được các cụ Chóa Bến kể lại như sau:

“Ngài Điện Hưng người làng Lỗ Khê (Đông Anh-Hà Nội) là một bộ tướng của vua Hùng Vương thứ XVIII, Khi bị Thục Phán bao vây Điện Hưng trên vùng núi Sóc Sơn nhiều tháng trời bị hạn hán ngài mơ thấy phải về cầu đảo vũ tại đền Chóa thì trời mới mưa, và “nhà Người (bà Chúa-đọc chệch: bà Chóa)” đòi sau khi thắng trận thì cho “nhà Người” được chia Lộc cùng với ngài Điện Hưng. Và sau đó ngài Điện Hưng đã về đền Chóa cầu đảo vũ và ứng nghiệm, quan quân sau bao ngày thiếu nước khát nước … thì nay nắng hạn đã gặp mưa rào, sĩ khí hăng lên quân của ngài Điện Hưng phá tan quân của Thục Phán-An Dương Vương”. Từ đó dân Làng Lỗ Khê kết trạ với dân Làng Chóa.

Kể từ đó khi ra ăn hội Lỗ Khê ngày mồng mười tháng giêng hàng năm, các cụ làng Chóa luôn mang theo món quà quê là hương đen Chóa Bến kính lễ thành hoàng làng Lỗ Khê là ngài Điện Hưng.

Như chúng tôi đã nói ở phần trên vào thời Lê sơ làng Chóa có cụ Nguyễn Thanh Cần làm tới chức Thừa Chính Xứ (tương đương với Bí thư và Chủ tịch tỉnh ngày nay), là vị quan đứng đầu một Xứ (Trấn), và cụ từng đi sứ nhà Minh. Đặc điểm các vị đi sứ ngày xưa thường mang nghề mới về cho làng, hoặc làm cho nghề đó hoàn thiện hơn giai đoạn trước …Ví dụ như:

Cụ Trần Lư đỗ TS năm 1502, đã từng đi sứ nhà Minh sau đó truyền nghề “sơn” cho dân làng Bình Vọng, huyện Thường Tín, xứ Sơn Nam xưa.

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613) người làng Bùng, huyện Thạch Thất, xứ Đoài. Sau khi đi sứ về Cụ đã phổ biến “kỹ thuật dệt” cửi cho bà con trong làng sau khi học được kỹ thuật dệt của Trung Quốc hơn hẳn của ta.

Cụ Lê Công Hành tên khai sinh là Trần Quốc Thái đi sứ nhà Minh năm 1646 và truyền nghề “thêu” học từ Trung Quốc cho dân làng Quất Động, Thường Tín, xứ Sơn Nam…

Cũng có thuyết cho rằng nghề hương đen Chóa Bến mới có ngót nghét hơn 300 năm nay tức là từ khi chia tách làng Chóa thành Chân Hộ và Hộ Trung. Nhưng thuyết đó thực sự sai hoàn toàn nếu nghề hương đen mới có từ sau khi chia tách làng thì việc gì các cụ Chân Lạc từ xưa tới nay phải thuê người Lạc Trung se hương để đi biếu dân anh Lỗ Khê, hoặc là phải ra chợ Chóa mua hương của Chóa Bến để đi biếu dân anh Lỗ Khê. Như vậy là nghề hương đen chắc chắn không thể sinh ra sau khi làng Chóa chia tách thành Chân Hộ và Hộ Trung, mà phải có từ trước khi hai làng chia tách do quy mô dân số lúc đó đã lớn.

Bằng các văn bản Hán Nôm còn sót lại đến ngày nay chúng ta chỉ xác định được niên đại muộn nhất thời điểm chia tách làng Chóa là trước niên hiệu Chính Hòa thứ 15 (năm 1694), tức là năm bắt đầu xuất hiện tên xã Hộ Trung.

Như vậy là dựa vào những dữ liệu lịch sử còn sót lại chúng tôi có thể đoán định rằng nghề hương đen ở Chóa Bến đã có ngót nghét 500 năm nay từ thời Thừa chính xứ-Hoàng giáp Nguyễn Thanh Cần (1462-?), sau khi ngài đi sứ nhà Minh về.